9 sự dạy dỗ sai trật của Steven Furtick (Phần 1)
Bài viết gốc: The False Teaching of Steven Furtick - Godwords.org
Steven Furtick là một diễn giả rất nổi tiếng. Ông rõ ràng là một người có tài giao tiếp và – dựa trên sự phát triển của hội thánh ông – có thể cũng là một nhà lãnh đạo có tài. Là người sáng lập và mục sư của Hội Thánh Elevation Church – quê hương của nhóm nhạc Cơ đốc nổi tiếng Elevation Worship – ông có sức ảnh hưởng lớn và có lượng khán giả trên toàn thế giới. Tất nhiên, những điều đó không liên quan gì đến việc liệu ông có phải là giáo sư giả hay không.
Steven Furtick là một giáo sư giả.
Tôi không vui khi phải nói ra điều này. Giá mà tôi có thể nói rằng ông là một người giảng dạy tuyệt vời, ông nghiên cứu Kinh thánh một cách cẩn thận và truyền đạt rõ ràng Lời Chúa cho người nghe của mình. Nhưng đáng tiếc, dựa theo lời nói của chính mình, ông ta không phải như vậy. Tôi không có tư thù cá nhân với Steven Furtick, và tôi không biết liệu ông có được cứu hay không. Tất nhiên là bạn cũng không. Câu hỏi đặt ra là liệu Steven Furtick có thể được tin cậy để dạy và rao giảng những gì Chúa đã phán hay không… và trong khi hầu hết những người giảng dạy đều nói nhiều điều đúng, thì thước đo của một giáo sư giả là họ thường xuyên nói những điều không đúng sự thật.
Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã
Dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết nhất của một giáo sư giả là những người mà họ kết giao. Steven Furtick gắn bó bản thân và nhà thờ của mình với những giáo sư giả khác. Ông tổ chức các cuộc hội thảo với các giáo sư Lời đức tin và các giáo sư thuộc phong trào Cải cách sứ đồ mới (New Apostolic Reformation). Ông ta công khai tán thành những giáo sư giả như T.D. Jakes, người giảng dạy tà giáo về chủ nghĩa Một Ngôi (Modalism). Ông cũng gọi giáo sư Lời Đức Tin Joyce Meyer là “giáo sư giảng dạy Kinh Thánh vĩ đại nhất còn sống ngày nay”.
Hãy nhớ rõ: điều này không giống như việc một Cơ đốc nhân tham gia một chương trình của những người không theo đạo. Đây là một kiểu kết hợp thân thiết, tức là họ cùng làm việc hướng tới những mục tiêu tương tự theo những cách giống nhau. Mặc dù tuyên bố về đức tin trên trang web của Elevation là hoàn toàn chính thống, nhưng những gì được giảng dạy thì không như vậy.
Chúng tôi, những người giảng dạy - bao gồm cả tôi - không thuộc cùng nhóm với những người lắng nghe. Hãy xem Gia-cơ 3:1:
“Thưa anh em của tôi, trong anh em không nên có nhiều người tự lập làm thầy, vì anh em biết rằng hễ là thầy, chúng ta sẽ phải chịu phán xét nghiêm khắc hơn.”
Đây là một việc hết sức nghiêm trọng.
Sau đây là 9 sự dạy dỗ sai trật của Steven Furtick:
1. Những vị chúa nhỏ
Một đặc điểm nổi bật của hầu hết các giáo sư Lời Đức Tin được gọi là học thuyết 'các chúa nhỏ'. Ý tưởng phi Kinh thánh này cho rằng con người không chỉ giống Chúa một phần, mà chúng ta còn là bản sao của Ngài. Hàm ý, như được các giáo sư giả này dạy đi dạy lại, là chúng ta có chung bản chất của Đức Chúa Trời và chúng ta có thể làm những điều Ngài có thể làm. Điều này bao gồm mọi thứ, từ chữa lành bệnh tật đến việc tạo ra vũ trụ.
“Hãy nhớ ‘chúng ta hãy tạo ra con người theo hình ảnh của chúng ta?’ Chúa cần ai đó cho thế giới thấy Ngài trông như thế nào, nếu không Ngài sẽ chỉ là một khái niệm hay một lý thuyết trừu tượng. Vì thế Ngài đã dựng nên người nam và người nữ để phản ánh Ngài là ai. Ngài cần ai đó thể hiện bản chất của Ngài, vì vậy Ngài đã tạo ra tôi và bạn.”
Mặc dù bản thân điều này chưa nhất thiết là dị giáo nhưng nó thật ngớ ngẩn. Đúng vậy, chúng ta được tạo ra theo hình ảnh của Chúa. Tuy nhiên: nếu Furtick đúng, chúng ta đang thể hiện bản chất của Chúa cho ai? Với Chúa? Không… với thiên thần và ma quỷ? Tất nhiên là chúng biết rõ về Đức Chúa Trời hơn chúng ta. Đối với động vật? Đối với cây cối? Đương nhiên là điều này không hợp lý chút nào… nhưng nó giúp Furtick thiết nền tảng cho giáo lý các vị Chúa nhỏ.
Đây là lời của Furtick khi nói về cuộc gặp gỡ của Chúa với Môi-se ở nơi đồng vắng:
“Khi Đức Chúa Trời nói “Ta là” với Môi-se, bạn biết đấy, “tên ta là Ta là,” Ngài đang cố gắng để ông ta thấy con cũng giống như ta.”
Chúng ta hãy nhìn vào đoạn Kinh Thánh gốc:
“Môi-se thưa với Đức Chúa Trời: “Nếu con đi đến với dân Y-sơ-ra-ên và nói với họ: ‘Đức Chúa Trời của tổ phụ anh em sai tôi đến với anh em;’ và họ hỏi con: ‘Tên Ngài là gì?’ thì con sẽ nói với họ thế nào?” Đức Chúa Trời phán: “TA LÀ ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU.” Ngài lại phán: “Hãy nói với dân Y-sơ-ra-ên rằng: ‘ĐẤNG TỰ HỮU đã sai tôi đến với anh em.’”” - Xuất Ai Cập 3:13-14
Rõ ràng là Đức Chúa Trời KHÔNG nói với Môi-se rằng ông ‘giống như Đức Chúa Trời’. Thay vào đó, Đức Chúa Trời ban cho Môi-se một sứ điệp cho dân Y-sơ-ra-ên: ông được sai bởi Đấng “Ta là”. Lời dạy của Furtick không những không phù hợp với đoạn Kinh thánh này mà còn mâu thuẫn trực tiếp với nó.
Ngoài ra: việc dạy rằng Môi-se là “Ta Là” đã đi quá xa. Việc dạy rằng khi ta đọc về Chúa Giêsu cũng giống như đọc về chính chúng ta là đi quá xa. Kinh Thánh không nói về chúng ta.
Các giáo sư Lời Đức Tin thường xuyên hạ thấp Đức Chúa Trời và đề cao con người. Furtick đi theo bước chân của những giáo sư giả như Kenneth Copeland, Benny Hinn và Joyce Meyer bằng cách tuyên bố rằng chúng ta giống Đức Chúa Trời hoặc giống Chúa Giê-su. Kinh thánh dạy đi dạy lại một cách rõ ràng rằng chúng ta KHÔNG giống Chúa:
“Lạy Đức Giê-hô-va, không ai sánh được với Ngài!” - Giê-rê-mi 10:6
“Lạy Đức Giê-hô-va, chẳng có ai như Ngài, và theo mọi điều tai chúng con đã nghe, ngoài Ngài chẳng có ai là Đức Chúa Trời.” - 1 Sử ký 17:20
“Vì lần nầy Ta sẽ giáng các tai ương trên lòng ngươi, quần thần, và dân ngươi, để ngươi biết rằng khắp thế gian không có ai bằng Ta.” - Lời Đức Chúa Trời, qua Môi-se truyền đến Pha-ra-ôn trong Xuất Ê-díp-tô ký 9:14
“Hãy nhớ lại những việc trước đây, từ thời xa xưa; Vì Ta là Đức Chúa Trời, chẳng có Chúa nào khác; Ta là Đức Chúa Trời, chẳng có ai giống như Ta.” - Ê-sai 46:9
Giáo lý về “các vị chúa nhỏ” đơn giản là dị giáo. Tôi cũng coi đó là sự báng bổ nữa.
2. Trích dẫn sai Kinh Thánh
Trong 2 Ti-mô-thê, sứ đồ Phao-lô đã viết điều này cho vị mục sư trẻ:
“Hãy chuyên tâm để được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không có gì đáng thẹn, thẳng thắn giảng dạy lời chân lý.” (câu 15).
Với tất cả sự tôn trọng, sự thật là Steven Furtick không giảng dạy lời chân lý. Đó không chỉ là ý kiến của tôi… bất cứ ai cũng có thể nghe ông ta dạy và sau đó so sánh những gì ông ta nói về một đoạn Kinh thánh với những gì đoạn đó thực sự muốn truyền đạt. Thông điệp nổi tiếng của ông về cái gương là một ví dụ điển hình. Đây là đoạn trích được đề cập, trong Gia-cơ 1:
“Vì nếu người nào nghe lời mà không làm theo thì giống như người kia soi mặt mình trong gương, ngắm rồi bỏ đi và quên ngay mặt mình như thể nào. Nhưng người nào xem xét kỹ càng luật pháp toàn hảo nầy, là luật pháp đem lại sự tự do, và bền tâm suy xét, không phải chỉ nghe rồi quên đi, nhưng thực hành luật đó, thì sẽ được phước trong công việc mình.”(câu 23-25)
Rõ ràng, Gia-cơ đang nói về sự vâng lời… nghe lời (điều Chúa Giê-su dạy) và làm theo điều Ngài phán. Hãy đối chiếu ý nghĩa rõ ràng trong lời nói của James với những gì Furtick nói về đoạn trích này:
Tôi yêu quyển Kinh thánh, và đây là lý do: nó là một tấm gương. Đó là những gì Gia-cơ đã nói. Ông nói trong Gia-cơ 1:23 - đây là đoạn tương đương trong Tân Ước với bài phát biểu của Ca-lép vì Ca-lép đang nhìn vào một tấm gương khác để nhìn bản thân mình, và Gia-cơ nói rằng lời Chúa sẽ cho bạn một tấm gương khác. Nó khác với trải nghiệm của bạn. Nó khác với di truyền của bạn. Nó khác với xu hướng của bạn. Nó khác với các mô hình thần kinh của bạn. Nó khác với tất cả những điều đó. Nó khác với chiều cao, cân nặng hay màu mắt của bạn. Nó khác với bất cứ điều gì bạn có thể thấy. Lời Chúa là một tấm gương khác, nhưng đây là những gì chúng ta làm: chúng ta quên mất những gì chúng ta đã thấy trong lời Chúa và nhìn vào thế gian để phản ánh những gì bên trong chúng ta và vì vậy chúng ta ở bên ngoài lời hứa của Chúa, đánh mất quyền sở hữu của mình với tư cách là con cái Chúa, vì vậy Gia-cơ nói 'nếu người nào nghe lời mà không làm theo thì giống như người kia soi mặt mình trong gương, ngắm rồi bỏ đi và quên ngay mặt mình như thể nào.' Và đó là điều sẽ xảy ra nếu bạn rời hội thánh, bạn phải rơi vào những tình huống trái ngược với những gì linh hồn của bạn biết.”
Thông điệp của Furtick không giống thông điệp của Gia-cơ. Điểm chung ở đây… chỉ là cái gương. Nhưng trong khi Gia-cơ sử dụng nó để dạy rằng chúng ta nên vâng lời thì Furtick lại sử dụng nó để dạy rằng “Hình ảnh cá nhân của bạn có thể đang hạn chế tiềm năng của bạn”. Đó là tiêu đề video của ông ta, nhưng đó không phải là cách những giáo sư chân chính và có trách nhiệm xử lý Kinh thánh. Đây là một vấn đề thường xuyên trong việc giảng dạy của ông và là một quá trình giảng dạy Kinh Thánh hoàn toàn vô trách nhiệm.
3. Giáo lý Một Ngôi (Modalism)
Giáo lý Chúa Ba Ngôi đến từ Kinh thánh. Có ba ý tưởng chính trong giáo lý này. Đầu tiên, chúng ta biết rằng chỉ có một Đức Chúa Trời. Thứ hai, chúng ta biết Cha là Đức Chúa Trời, Con là Đức Chúa Trời và Thánh Linh là Đức Chúa Trời. Thứ ba, chúng ta biết Con không phải là Cha cũng không phải Thánh Linh, và Thánh Linh không phải là Cha. Nói một cách đơn giản hơn, chỉ có một Đức Chúa Trời vĩnh viễn và có ba thân vị.
Giáo lý Một Ngôi (Modalism) là ý tưởng phi Kinh thánh cho rằng chỉ có một Đức Chúa Trời duy nhất… và khi chúng ta nhìn thấy Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh, chúng ta đang nhìn thấy ba biểu hiện khác nhau của cùng một thân vị. Đây là một tà giáo cổ xưa đã bị lên án trong suốt lịch sử hội thánh. Thật không may, một số mục sư nổi tiếng lại ủng hộ giáo lý sai lầm này và Furtick nằm trong số đó.
Trong Giăng 16:7
“Dù vậy, Ta nói thật với các con: Ta đi là ích lợi cho các con. Vì nếu Ta không đi thì Đấng An Ủi sẽ không đến với các con. Nhưng nếu Ta đi, Ta sẽ sai Ngài đến.”
Khi giải thích phân đoạn Kinh Thánh này, Furtick tuyên bố rằng ý của Chúa Giêsu là như thế này:
“Không, Ta sẽ không rời bỏ con. Ta chỉ đang thay đổi hình dạng mà thôi. Hãy xem, cho đến bây giờ ta vẫn đi cùng con, nhưng khi Ta gửi Thánh Linh của mình, Ta sẽ ở trong con.
Trong trường hợp có ai thắc mắc liệu Furtick có nói nhầm hay không, thì còn nhiều hơn thế nữa. Trong cùng bài giảng đó , khi nói về việc Chúa Giêsu thăng thiên, Furtick đã nói thế này:
“… và bấy giờ Chúa Giêsu biến mất khỏi tầm mắt họ và ẩn trong một đám mây, nhưng Ngài không rời đi. Ngài chỉ thay đổi hình dạng thôi. Ngài không biến mất. Chỉ là không còn thấy Ngài được nữa.Thay vào đó Ngài ở bên trong … Ngài nói “tốt hơn là Ta biến mất. Tốt hơn là Ta rời bỏ hình dạng vật lý vì sau đó Ta có thể ban cho con ở dạng tâm linh, sau đó Ta có thể hướng dẫn con từ một nơi sâu sắc hơn.”
Furtick đang nói rằng Đức Chúa Trời đã ngừng làm Chúa Cha và trở thành một con người (Chúa Giêsu). Sau đó, khi Ngài thăng thiên, Ngài ngừng làm người và trở thành Đức Thánh Linh. Đây không phải là một lỗi thần học đơn giản, hay một cách giải thích gây tranh cãi về một câu Kinh thánh cụ thể. Đây là một ý tưởng hoàn toàn phi Kinh thánh, bị lên án trong suốt lịch sử hội thánh là tà giáo/ dị giáo. Nó hoàn toàn bỏ qua vô số đoạn Kinh thánh rõ ràng cho chúng ta thấy Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh không giống nhau.
4. Sự Mặc Khải, không phải Sự Biến Đổi
Trong một bài đăng trên Facebook từ năm 2021, Furtick đã viết điều này:
“Bước đi theo Chúa Giêsu không thay đổi bạn thành một điều gì khác, nó chỉ bày tỏ cho bạn thấy mình thực sự là ai từ trước đến nay.”
Điều này phù hợp với giáo lý phổ biến trong phong trào Lời Đức Tin: rằng đức tin của chúng ta chỉ thể hiện những gì đã đúng trong thế giới tâm linh.
Thật không may, nó hoàn toàn trái ngược với Kinh thánh. Thay vì bày tỏ rằng từ trước đến nay chúng ta là ai, việc đi theo Chúa Giê-su thực sự mang đến một sự biến đổi.
“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, người ấy là tạo vật mới, những gì cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới.” - 2 Cô-rinh-tô 5:17
“Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng không hề biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, để trong Đấng ấy chúng ta được trở nên công chính trước mặt Đức Chúa Trời.” - 2 Cô-rinh-tô 5:21
“Tất cả chúng ta đều để mặt trần chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, được biến đổi trở nên giống như hình ảnh Ngài, từ vinh quang đến vinh quang; vì điều nầy đến từ Chúa là Thánh Linh.” - 2 Cô-rinh-tô 3:18
“Đừng khuôn rập theo đời nầy, nhưng phải được biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để phân biệt đâu là ý muốn tốt đẹp, vừa lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời.” - Rô-ma 12:2